Tâm điểm
Hữu Bình

"Thuyền trưởng" mới và bài toán cũ của đội tuyển Việt Nam

Cuối cùng chiếc ghế nóng ở đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam đã chọn được chủ nhân mới - ông Kim Sang-sik (Hàn Quốc), 48 tuổi, người từng nhiều năm thi đấu cho đội tuyển quốc gia "xứ kim chi" và từng đưa câu lạc bộ Jeonbuk lên ngôi vô địch K.League.

"Thầy ngoại" vẫn là lựa chọn ưu tiên

Đây đó trên công luận có những ý kiến tiếc cho huấn luyện viên (HLV) Hoàng Anh Tuấn. Ông từng là người đứng sau thành công của thế hệ tuyển thủ dưới thời HLV Park Hang-seo, và vừa dẫn dắt đội U23 thi đấu khá tốt tại vòng chung kết châu Á (vào đến tứ kết). Nhưng việc chọn thầy ngoại thay vì thầy nội vốn đã được xác định từ trước đó rồi. Vì sao?

Thuyền trưởng mới và bài toán cũ của đội tuyển Việt Nam - 1

Từ vị thế đội bóng "ngựa ô" ở châu Á, đội tuyển Việt Nam tụt dốc dưới thời HLV Troussier (Ảnh: Tiến Tuấn).

Nhìn lại hành trình 33 năm qua, kể từ khi đội tuyển bóng đá Việt Nam hội nhập với sân chơi khu vực Đông Nam Á tại SEA Games 16 năm 1991 đến nay (thời điểm được xem là mở đầu cho hành trình chính thức của đội tuyển trên các đấu trường quốc tế), từng có khoảng hơn 10 lần các HLV người Việt được giao quyền HLV trưởng.

Trong đó, có thể kể tới những cái tên khá lừng lẫy như Vũ Văn Tư, Nguyễn Sỹ Hiển, Trần Bình Sự, Trần Duy Long, Nguyễn Thành Vinh, Mai Đức Chung, Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc hay Nguyễn Hữu Thắng. Nhưng trong gần 3 thập kỷ ấy (tức trải qua nhiều thế hệ tuyển thủ khác nhau), vẫn chưa có HLV nội nào giành được thành tích đáng kể tại các giải đấu của khu vực Đông Nam Á (SEA Games và AFF Cup) chứ chưa nói tới các giải ở tầm cỡ cao hơn.

Những người am hiểu về lịch sử của đội tuyển bóng đá quốc gia hẳn đều biết chuyện quá nửa đội tuyển bãi công trước SEA Games 16; sau đó là những tranh cãi triền miên việc đội này được gọi nhiều, đội kia được triệu tập ít người; hay nhóm cầu thủ này không hợp tác với nhóm cầu thủ kia trong các lần tập trung đội tuyển.

Thậm chí, còn có cả những câu chuyện bên lề khi các thầy nội thậm chí còn bị tác động bởi… "ai đó ở trên cao" trong việc lựa chọn và sử dụng cầu thủ… Vậy nên mới có nhận định: HLV có thể khá - giỏi khi cầm quân ở cấp CLB, nhưng khi lên nắm đội tuyển lại trở thành trung bình vì những phức tạp khi huấn luyện cả dàn ngôi sao, hoặc gần như không thể hiện được cái uy cần thiết khi cầm quân đánh trận.

Câu chuyện về các HLV ngoại ở đội tuyển Việt Nam bắt đầu từ cuối năm 1994, đầu 1995 với sự xuất hiện của HLV Edson Tavares (Brazil) ở Cúp Độc Lập, kế đó là tấm Huy chương bạc lịch sử tại SEA Games 18 với HLV Karl Heinz Weigang (Đức). Nếu như Tavares đem đến sự mới lạ trong huấn luyện thể lực và giúp các cầu thủ mạnh dạn tự khám phá bản thân thì Weigang được cho đã lột xác đội tuyển bằng lối đá giàu tính kỷ luật đấu pháp (chưa từng thấy trước đó) cũng như cái gọi là "tinh thần Đức" hòa quyện với ý chí của các tuyển thủ Việt.

Người sau này đã giúp thế hệ vàng thập niên 1990 đạt tới thành công cao hơn là Alfred Riedl (Áo) - vị HLV nổi tiếng với nhận xét táo bạo "bóng đá Việt Nam đang xây nhà từ nóc" (điều các HLV người Việt chưa từng dám bày tỏ trước đó). Và người giúp đội tuyển lần đầu vô địch khu vực là Henrique Calisto (Bồ Đào Nha) tại AFF Cup 2008 với thế hệ vàng thứ 2. Tuy nhiên, đỉnh nhất trong các tên tuổi thầy ngoại là Park Hang-seo, người đã tạo nên giai đoạn (5 năm) thành công nhất của đội tuyển quốc gia.

Đằng sau câu chuyện "thầy nội - thầy ngoại" ở đội tuyển bóng đá quốc gia, vẫn còn nhiều luồng ý kiến trái chiều. Người cho rằng phải là thầy ngoại phù hợp thì mới thành công, người cho rằng: Đã đến lúc đặt niềm tin vào thầy nội - như trường hợp HLV Hoàng Anh Tuấn từng góp công tạo nên thế hệ vàng mới dưới trướng HLV Park Hang-seo.

Nhưng xét kỹ bối cảnh và xu thế chung, thì dường như các thầy ngoại vẫn đang là lựa chọn hợp lý ở thời điểm này. Như Indonesia đang thành công với Shin Tae-yong (Hàn Quốc), Thái Lan được dẫn dắt bởi HLV Masatada Ishii (Nhật), Philippines có HLV Tom Sainfiet (Bỉ) hay Singapore có HLV Tsutomu Ogura (Nhật)...

Nhiều thử thách chờ đón "thuyền trưởng" mới

Suốt hơn một tuần qua, báo chí Hàn Quốc đã sớm khẳng định HLV Kim Sang-sik sẽ dẫn dắt tuyển Việt Nam, nguồn tin từ công ty đại diện của HLV này - DJ Management - cũng là công ty đại diện của HLV Park Hang-seo. Năm nay 48 tuổi, ông Kim từng có một sự nghiệp cầu thủ khá lừng lẫy (12 năm thi đấu cho đội tuyển Hàn Quốc), nhưng dấu ấn trong vai trò HLV thì mới là một lần vô địch giải nhà nghề Hàn Quốc (K.League) cùng CLB Jeonbuk trước khi… thất nghiệp trong hơn 1 năm qua.

Nhưng từ một góc độ khác, HLV Kim Sang-sik cũng được trông đợi là sẽ tận dụng kinh nghiệm của người thầy cũ Park Hang-seo, nhất là khi ông Kim được cho là có sự tương đồng với thầy Park ở thế mạnh khích lệ tinh thần của các tuyển thủ.

Thuyền trưởng mới và bài toán cũ của đội tuyển Việt Nam - 2

HLV Kim Sang-sik (Ảnh: AFP).

Tháng 10/2017, sau những thất bại của đội tuyển tại AFF Cup 2016 và đội U23 tại SEA Games 29 năm 2017, khi VFF đặt bút ký hợp đồng với HLV Park Hang-seo, từng có rất nhiều dư luận nghi ngờ vì đấy là khi ông Park đang… thất nghiệp, sự nghiệp cầm quân trước đó cũng không có gì nổi bật. Nhưng với sự phù hợp từ phông văn hóa tới triết lý huấn luyện cũng như cầm quân đánh trận phù hợp với dàn cầu thủ tài năng vừa tới độ chín, ông Park đã giúp tạo nên những dấu ấn sâu đậm nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Việc VFF lựa chọn thầy Kim vào lúc này có lẽ cũng khá tương đồng với bối cảnh khi ấy.

Thầy Park đã chọn dừng lại khi ai cũng nhận thấy thế hệ vàng mới dưới tay ông bắt đầu sa sút và thành tích của đội tuyển đã đạt đỉnh.

Người kế nhiệm, HLV Troussier hẳn cũng thấy rõ điều ấy, muốn tạo nên sự cải tổ lực lượng và lối chơi mạnh mẽ. Nhưng "phù thủy trắng" đã sai lầm về phương pháp sử dụng nhân sự (nóng vội đôn các cầu thủ trẻ lên, không phát huy được năng lực của các cựu binh, duy ý chí trong lựa chọn đấu pháp và thiếu sự ủng hộ của công luận…) để rồi "dục tốc bất đạt".  Công bằng mà nói, cách thức của ông Troussier cũng khá giống với những gì HLV Shin Tae-yong từng làm trong một năm đầu dẫn dắt Indonesia (đôn cả các tuyển thủ trẻ lên và… thua liểng xiểng), nhưng khác ở chỗ, vị đồng nghiệp người Hàn Quốc lại nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ PSSI (Liên đoàn bóng đá Indonesia), đặc biệt là nguồn "ngoại lực" cực mạnh với chính sách nhập tịch trong 2 năm qua.

Có thể nhận thấy thử thách lớn nhất với ông Kim Sang-sik - người được cho sẽ là tân thuyền trưởng của đội tuyển Việt Nam chính là sự thay đổi lực lượng khi nhiều trụ cột đã suy giảm phong độ, còn lứa trẻ mới không có nhiều gương mặt nổi bật như lứa Quang Hải, Tiến Linh, Văn Hậu, Tấn Tài… từng tham dự World Cup U20 trước khi được giao cho thầy Park.

"Có bột mới gột nên hồ". Vị thuyền trưởng có giỏi đến đâu thì để thành công vẫn rất cần có dàn thủy thủ giỏi.  Hy vọng rằng một số gương mặt trẻ từng được HLV Troussier trao cơ hội sẽ có sự tiến bộ trong thời gian tới, trở thành những trụ cột mới của đội tuyển; một số cựu binh cũng có thể tìm lại động lực và phong độ.

Và biết đâu, trong thời gian tới, đội tuyển của chúng ta cũng sẽ có thêm một số cầu thủ giỏi từ nước ngoài trở về - những Việt kiều có trình độ tốt khao khát trở về phục vụ Tổ quốc (như xu thế chung của bóng đá khu vực cũng như bóng đá thế giới hiện tại).

Tác giả: Nhà báo Hữu Bình hiện công tác tại Trung tâm Thông tin - Truyền thông Thể dục thể thao (Cục Thể dục Thể thao, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Ông từng có nhiều năm phụ trách Ban nội dung của Báo Thể thao TPHCM và Tạp chí Thể thao; Ủy viên thường vụ Hội Thể thao điện tử và Giải trí Việt Nam.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!